Quay trở lại danh sách
Thông tin luận án tiến sĩ

Luận án của nghiên cứu sinh Lê Hoàng Quỳnh

17/01/2025

THÔNG TIN TÓM TẮT

VỀ NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ

 

1. Tên luận án: “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật

2. Chuyên ngành:        Kinh doanh thương mại

3. Mã số:                     9340121

4. Họ tên NCS:           LÊ HOÀNG QUỲNH

5. Họ tên người hướng dẫn khoa học:  

Hướng dẫn 1: GS, TS. NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Hướng dẫn 2: PGS, TS. NGUYỄN DUY ĐẠT

6. Những kết luận mới của luận án:

Những đóng góp về mặt lí luận:

Luận án đã hệ thống hóa cở sở lý luận về xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật. Cụ thể:

Làm rõ bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật được thể hiện thông qua sự gia tăng về các hình thức các biện pháp như TBT, SPS và các biện pháp liên quan đến môi trường; gia tăng về số lượng biện pháp; gia tăng về mức độ phức tạp, tinh vi trong nội dung của các biện pháp; gia tăng về mức độ/ tần suất kiểm tra. Luận án đã luận giải về việc những tác động định tính và định lượng của rào cản kỹ thuật và gia tăng rào cản kỹ thuật đến xuất khẩu thủy sản, trong đó tác động định lượng được phân tích thông qua việc sử dụng mô hình trọng lực cấu trúc. Bên cạnh đó, luận án đề xuất bộ tiêu chí đánh giá xuất khẩu trong bối cảnh giá tăng rào cản kỹ thuật gồm lợi thế xuất khẩu, kết quả xuất khẩu và khả năng đáp ứng rào cản kỹ thuật. Ngoài ra, luận án còn luận giải về những điều kiện đặt ra đối với doanh nghiệp trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật, đó là những điều kiện mà doanh nghiệp cần đáp ứng để thực hiện mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật, bao gồm điều kiện về nhận thức của doanh nghiệp đới với rào cản kỹ thuật, năng lực đáp ứng rào cản kỹ thuật của doanh nghiệp, quy trình nuôi trồng sản xuất, chất lượng của sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các rào cản kỹ thuật.

Những đề xuất mới được rút ra từ kết luận nghiên cứu:

Luận án đã nhận diện, phân tích để làm rõ bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật đối với thủy sản của thị trường Nhật Bản liên quan đến các biện pháp TBT, SPS và xu hướng gia tăng áp dụng các quy định liên quan đến môi trường. Sự gia tăng được thể hiện qua số lượng ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, đồng thời mức độ phức tạp, tinh vi của các biện pháp cao hơn, thậm chí hơn cả thị trường EU và Hoa Kỳ; tần suất kiểm tra thủy sản nhập khẩu dày đặc hơn. NCS đã vận dụng dữ liệu sơ cấp và thứ cấp để đánh giá thực trạng. Kết quả nghiên cứu về tác động cho thấy các biện pháp TBT có tác động tích cực trong khi các biện pháp SPS có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã duy trì được lợi thế so sánh của các mặt hàng chủ lực là nhóm hàng thuộc mã HS0304, HS0305, HS0306, HS1604 và HS1605. Đồng thời, kết quả xuất khẩu tương đối khả quan. Sản lượng thủy sản xuất khẩu có thể không tăng mạnh tuy nhiên giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã được nâng cao hơn. Từ đó, có thể thấy các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bước đầu chủ động có các biện pháp thích ứng với bối cảnh. Tuy nhiên khả năng đáp ứng sự gia tăng các rào cản kỹ thuật lại không ổn định. Các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế về nhận thức, hiệu quả quản lý về chất lượng chưa cao, các biện pháp thích ứng chưa đáp ứng hết các yêu cầu của thị trường nhập khẩu nên tình trạng vi phạm các quy định có xu hướng tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt được những thành công nhưng vẫn còn hạn chế khi Nhật Bản yêu cầu ngày càng cao đối với hàng thủy sản nhập khẩu.

Về mục đích nghiên cứu, luận án cũng đưa ra dự báo sự thay đổi về thị trường và xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật của thị trường Nhật Bản. Đồng thời, các quan điểm, định hướng tăng cường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật cũng được làm rõ. Đó là những căn cứ vững chắc để đề xuất những giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh gia tăng các rào cản kỹ thuật.